Nhiều chính sách hỗ trợ ngành chè phát huy hiệu quả

Chia sẻ bài viết cho bạn bè

Xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, trong nhiều năm qua tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển cây chè và sản phẩm trà. Định hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, đẩy mạnh chế biến, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm, triển khai thực hiện các đề án phát triển chè bền vững đã được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện đem lại hiệu quả nổi bật.

Các HTX chè trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sản lượng, diện tích chè của Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước. Năm 2022, toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha, trong đó, diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn. Giá bán chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn các vùng chè khác trong cả nước với thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Sản phẩm chè móc câu có giá trung bình từ 200.000 đồng/kg - 400.000 đồng/kg, chè tôm nõn giá 600.000 - 750.000 đồng/kg. Một số vùng chè đặc sản đã sản xuất các sản phẩm chè cao cấp... có giá trị cao từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg. Theo giá hiện hành, giá trị sản phẩm chè búp tươi đạt 7.800 tỷ đồng/năm; giá trị sản phẩm trà sau chế biến đạt 10.400 tỷ đồng/năm. Cây chè ngày càng khẳng định được vị thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, là cây trồng làm giàu cho 91.000 hộ làm chè ở Thái Nguyên.

Thành quả đó là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, triệt để đã và đang được tỉnh thực hiện. Trước hết phải kể đến là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, nhiều chính sách được triển khai có hiệu quả như: Hỗ trợ đào tạo, tuyên tuyền; hỗ trợ giống chè mới, phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và thiết bị trong sơ chế, chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chè… đã mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với sản xuất các cây trồng khác trong tỉnh; sản lượng, chất lượng, thương hiệu và giá trị chè Thái Nguyên không ngừng được nâng cao.

Các sản phẩm của các doanh nghiệp chè tại Thái Nguyên

Trong nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh việc trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản. Bình quân mỗi năm, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trồng mới và trồng thay thế trên 500 ha chè. Đến nay, tỷ lệ giống mới đạt 18.376 ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp bền vững. Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7 ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11 ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127 ha, trong đó có 65 ha đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Sản lượng chè búp tươi an toàn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ước đạt gần 58.500 tấn, chiếm 22,5% tổng sản lượng chè toàn tỉnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư chế biến sâu, đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm đối với sản phẩm chè an toàn và cho giá trị sản xuất cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15 - 25%.

Nguồn: Thainguyen.gov.vn

zalo sms
facebook sms